Những "hành trang" cần có khi đi phỏng vấn tại ngân hàng

Mình là một trong số bảy bạn may mắn được làm thực tập sinh tại SeABank Quảng Ngãi trong vòng 2 tháng. Quãng thời gian 2 tháng làm việc tại ngân hàng cho mình khá nhiều kỷ niệm vui buồn, cũng như rất nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá.

Tuy nhiên, bài viết này mình không muốn kể lể về quá trình mình làm việc tại SeABank Quảng Ngãi, mà mình muốn chia sẻ với bạn những "hành trang" mà một sinh viên mới ra trường cần chuẩn bị trước đi phỏng vấn với công việc là nhân viên tín dụng tại ngân hàng. Những "hành trang" này là của anh Nguyễn Văn Huân - Chuyên viên quản lý quan hệ khách hàng Doanh nghiệp của SeABank Quảng Ngãi chia sẻ cho mình và các bạn thực tập sinh khác.
Những thứ cần chuẩn bị trước khi phỏng vấn

Cần tìm hiểu thông tin tổng quan về ngân hàng (Quy mô hoạt động, thương hiệu, môi trường làm việc, định hướng trong tương lai, chính sách đối với người lao động...)

Chuẩn bị tinh thần thật thỏa mái, nhớ phải xem lại gương mặt, tóc tai trước khi phỏng vấn. Khi bước vào phòng nên nghiêng nhẹ đầu chào Anh/Chị, không nên cúi đầu quá thấp. Khi ngồi nhớ né qua bên phải một tí với người đối diện, ngồi thẳng lưng, 2 tay nắm nhẹ và gác lên đùi hay túi xách (nếu có). Đó là những hình thức bên ngoài.

Công việc của một nhân viên tín dụng tại ngân hàng thương mại (Dưới đây chỉ là công việc của tín dụng cá nhân tại SeABank, bạn cần tìm hiểu kỹ công việc bạn ứng tuyển của ngân hàng mà bạn phỏng vấn)

- Chịu trách nhiệm về doanh số bán hàng và tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ của SeABank tới đối tượng khách hàng cá nhân.

- Thực hiện giao dịch với khách hàng cá nhân liên quan đến tất cả các sản phẩm huy động, cho vay, dịch vụ quản lý trực tiếp danh mục khách hàng cá nhân.

- Phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng cá nhân trong phạm vi vùng hoạt động.

- Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Trưởng phòng Khách hàng cá nhân và Giám đốc chi nhánh.

Chủ yếu nhà tuyển dụng mong muốn ở bạn là bạn chứng minh được khả năng của mình, năng lực của mình vào vị trí mà bạn ứng tuyển
Chính vì vậy, trong quá trình phỏng vấn, bạn cần đưa ra những câu trả lời của mình sao cho phù hợp với công việc, vị trí ứng tuyển. Bạn cố gắng xoay quanh vấn đề về kỹ năng của tín dụng. Kinh nghiệm bạn có được để phù hợp với những kỹ năng đó. Không nên để người ta hỏi đâu trả lời đó. Thường thì khi phỏng vấn người ta cho bạn giới thiệu về kinh nghiệm trước, sau đó cứ thế mà hỏi, nên bạn có lợi thế là được lựa chọn hướng trả lời.

Khi giới thiệu về bản thân, bạn nên chuẩn bị trước và chỉ trả lời trong khoảng 2 - 3 phút: Họ tên, quê quán, học tại trường nào, trong quá trình học có thành tích gì? Điểm mạnh của em là: Thận trọng trong cuộc sống cũng như công việc, có khả năng làm việc nhóm cũng như tạo được sự thân thiện đối với mọi người, có khả năng làm việc trong môi trường công việc áp lực. Điểm yếu: Chưa được tiếp xúc với môi trường làm việc tại ngân hàng, trong cuộc sống có vài chuyện chưa đủ tự tin để quyết định.

Ví dụ: Người ta hỏi: Bạn biết một nhân viên tín dụng cần những yếu tố gì, và bản thân bạn có những ưu điểm gì để tự tin là bạn sẽ phù hợp với vị trí này?

Nói về kỹ năng cần thiết của một nhân viên tín dụng:

Là nhân viên tín dụng, ngoài kiến thức vững vàng thì phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cũng như kỹ năng giao tiếp là 2 yếu tố không thể thiếu được. Do đó:

- Trước hết là trung thực, khách quan, trung thực trong đánh giá, thẩm định để đưa ra những kết quả thẩm định thật chính xác.

- Thứ hai, công việc của một nhân viên tín dụng thường xuyên phải đi gặp khách hàng, cũng như đảm bảo về chỉ tiêu doanh số, do đó áp lực công việc tương đối nặng, cần phải có khả năng chịu được áp lực về công việc.

- Thứ ba, là chuyên nghiệp khi tiếp xúc với khách hàng. Kỹ năng giao tiếp khách hàng, thái độ tốt đối với khách hàng là yếu tố rất quan trọng, tôn trọng khách hàng và luôn nghĩ tới quyền lợi của họ.

Những ưu điểm để bạn tự tin sẽ phù hợp với vị trí này:

Bản thân em là một người cẩn thận, tỉ mỉ trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Lúc còn là sinh viên em cũng từng làm việc theo nhóm và thuyết trình trước đám đông. Ngoài ra, khi còn là sinh viên em cũng từng làm nhân viên thời vụ và bán hàng cho một số công ty (chuẩn bị vài nội dung về công ty bán hàng) và cũng thường xuyên tiếp xúc khách hàng, do đó em cũng tự tin về khả năng giao tiếp của mình. Nên em nghĩ mình sẽ phù hợp với công việc này.

Ví dụ: Người ta hỏi: Tại sao bạn lại thích công việc của một nhân viên tín dụng?

Nhân viên tín dụng thường xuyên tiếp xúc với khách hàng thuộc mọi tầng lớp xã hội nên em sẽ học hỏi được rất nhiều điều để bổ sung trong công việc cũng như trong cuộc sống. Ngoài ra, tín dụng đòi hỏi sự năng động, nhiệt huyết là chính, mà bản thân em là một người rất năng động, nhiệt huyết, do đó, em thấy mình sẽ phù hợp với công việc của tín dụng.

Bạn sẽ tìm kiếm khách hàng bằng cách nào?

Tận dụng tất cả các mối quan hệ từ người thân, bạn bè để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Và khi được một khách hàng từ người thân, bạn bè, lại tiếp tục khai thác mối quan hệ của khách hàng đó.

Tìm kiếm thông tin khách hàng trên các trang mạng xã hội, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh để gọi điện, gửi thư ngỏ, gửi mail tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài ra còn một kênh phổ biến nữa là phát tờ rơi, thư ngỏ cho các hộ dân, khu chung cư gần điểm giao dịch của ngân hàng...

Bạn sẽ tự tin là mình thành công với công việc tín dụng tại ngân hàng?

Theo những yêu cầu và phẩm chất, cũng như kỹ năng cần có của một nhân viên tín dụng. Và với những gì em có được từ khả năng cũng như kinh nghiệm, em tin là mình sẽ thành công với công việc này tại ngân hàng. Và về lâu dài, em không muốn mình thay đổi môi trường làm việc, vì một khi đã gia nhập với môi trường làm việc nào, thì em sẽ cố gắng thành công ở môi trường làm việc đó.

Đó là một số nội dung mà anh Huân đã chia sẻ cho các bạn thực tập sinh tại SeABank Quảng Ngãi. Nhưng điều quan trọng là bạn phải tự tin lên, phải ứng xử nhạy bén, đừng để tâm lý đè nặng trong lúc phỏng vấn.

Chúc bạn thành công!