Bạn có đang làm chủ thiết bị Android của mình?

Đôi điều về các ứng dụng tối ưu điện thoại/máy tính bảng

Nói về thể loại ứng dụng dọn rác, tối ưu hiệu năng thiết bị Android, hẳn các bạn rất quen thuộc với những cái tên nổi tiếng như: Clean Master, DU Speed Booster... Đồng ý là những ứng dụng này đều có tính năng dọn rác, xóa các ứng dụng đang chạy ngầm trong RAM... để mà làm sạch thiết bị, hay là tiết kiệm pin... nhưng thực sự những ứng dụng này có cần thiết cho bạn?
Mình xin nêu quan điểm của mình, bản thân chiếc điện thoại/máy tính bảng của bạn cấu hình không đến nỗi tệ. Với hệ điều hành Android, bộ vi xử lý mạnh vẫn là yếu tố ưu tiên hàng đầu để cho thiết bị chạy mượt mà... và trên thị trường, thật khó để kiếm thiết bị nào có bộ vi xử lý xung nhịp dưới 1 GHz, chưa kể những máy tầm trung, thậm chí là tầm thấp đều có ít nhất 2 nhân, phổ biến hơn là 4 nhân trong một bộ vi xử lý.

Tiếp theo, phải nói đến bộ nhớ RAM của thiết bị, hiện nay, bộ nhớ RAM của đa số thiết bị Android trên thị trường là 1 GB - Đây là mức RAM đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bạn, thậm chí là chơi một số game 3D. Và, hệ điều hành Android từ bản 4.4 trở đi cũng đủ thông minh để không xảy ra tình trạng thiếu hụt RAM, gây tình trạng lag máy...

Mình nói đến đây, hẳn bạn cho là không ăn nhập gì với phần đầu bài... đúng vậy, để mình giải thích thêm cho bạn rõ, điện thoại/máy tính bảng Android của bạn hiện nay có sức mạnh điện toán rất lớn, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của bạn, thế nhưng những ứng dụng Clean Master, DU Speed Booster... như mình đề cập ở trên, mặc dù có thể giúp bạn xóa "rác" làm tăng bộ nhớ lưu trữ, ngoài ra những tiện ích còn lại hầu như không có ý nghĩa nhiều. Ví dụ như việc bạn xóa các ứng dụng chạy ngầm trong RAM, rồi sau một khoảng thời gian 5 - 10 phút, bạn lại mở ứng dụng, buộc hệ điều hành phải khởi động lại từ đầu ứng dụng - sẽ gây tốn pin hơn rất nhiều so với việc hệ điều hành chỉ cần mở lại ứng dụng đó đang chạy ngầm trong RAM, vậy thì ở đây, tiết kiệm pin có thực sự hữu ích hay không?

Chưa kể, bạn mua điện thoại/máy tính bảng thì bạn là chủ của thiết bị hay là ngược lại? Những ứng dụng Clean Master, DU Speed Booster... lâu lâu lại hiện lên một bảng thông báo: xóa rác, hao pin... thì bạn lại bấm vào... Nếu xét về mặt trải nghiệm, chính xác, bạn không có một trải nghiệm hoàn hảo nào cả, mà tác dụng thì sao, chẳng qua cũng là xóa rác mà thôi.

Mà nói đến việc xóa rác cho thiết bị Android thì bạn có cần thực hiện với tần suất nhiều lần trong ngày hay không? Thực ra thì các thiết bị Android trên thị trường thường có ROM 8 GB hoặc hơn, cho là bản ROM 8 GB đi thì trừ hệ điều hành ra thì bạn cũng có ít nhất 4 GB để lưu trữ dữ liệu, chưa kể bạn có thể gắn thêm thẻ nhớ ngoài. Trong khi các file cache phát sinh trong quá trình sử dụng (mà ta hay gọi là file rác) cũng khó mà chiếm dụng gần hết bộ nhớ lưu trữ của thiết bị bạn được. Đến đây, bạn sẽ hiểu, vì sao ta không từ từ tầm 4, 5 ngày hay hơn tuần ta dọn rác luôn một lần, đỡ phải dùng rồi xóa rồi xóa... theo thói quen nhỉ?

Thiết nghĩ, mua một chiếc điện thoại/máy tính bảng Android với mục đích chính là trải nghiệm, nhưng chỉ vì lo lắng này nọ, mà bạn lại mất đi tính làm chủ của thiết bị (theo nghĩa đen). So với iOS đi, thực sự mà nói cũng chả có phần mềm nào gọi là dọn rác chuyên dụng cả.